Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - sự đột phá về lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Xây dựng chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và là sự lựa chọn phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam<1>. Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhất là sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới (từ năm 1986) đã khẳng định tính đúng đắn của sự lựa chọn này. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình (từ năm 2008) với định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Bộ mặt của đất nước có nhiều thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Vai trò, vị thế và uy tín quốc tế của quốc gia từng bước được nâng cao<2>. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc.
Bạn đang xem: Tại sao phải xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thành công kể trên là việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây cũng chính là kết quả của việc từng bước hiện thực hoá lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - Sự đột phá về lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Bài viết phân tích và làm rõ sự đột phá về lý luận này dựa trên các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được thể hiện trong các Văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội, đặc biệt là trong bài viết của tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Thứ nhất, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Đó là “một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường”<3>; là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.
Lịch sử kinh tế thế giới đã chỉ ra rằng sự phát triển của kinh tế thị trường trong mấy trăm năm qua, nhất là kinh tế thị trường hiện đại, luôn gắn liền với chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản mà là sản phẩm của văn minh nhân loại và không đối lập với chủ nghĩa xã hội<4>. Kinh tế thị trường không phát triển theo một mô hình duy nhất mà được thực hiện dưới nhiều mô hình khác nhau: Kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc… Nói cách khác, thực tiễn đã xác nhận những mô hình phát triển kinh tế thị trường mang tính đặc thù, phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh phát triển cụ thể của từng quốc gia - dân tộc. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một dạng thức của kinh tế thị trường trên thế giới.
Kinh tế thị trường là phương thức huy động và phân bổ nguồn lực tối ưu nhất hiện nay; giúp giải phóng sức sản xuất; phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, qua đó giúp tăng năng suất lao động. Chính vì vậy, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được coi là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội<5>; là một trong những phương thức để đạt được mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Việt Nam xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện một nền kinh tế kém phát triển, lại bị tác động nặng nề do hậu quả của chiến tranh để lại. Trong điều kiện đó, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ, xét trên cả hai khía cạnh, tính thị trường và tính xã hội chủ nghĩa, như mức độ hoàn thiện và hiện đại của các thể chế cho phát triển thị trường; khả năng kiến tạo của Nhà nước; trình độ phát triển của thị trường các nhân tố sản xuất; năng suất lao động; hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là của doanh nghiệp nhà nước; mức độ hợp tác và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế; thu nhập của nhân dân, sự bình đẳng trong phát triển giữa các vùng, miền, giữa thành thị với nông thôn; sự phát triển hài hoà với tự nhiên và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu... Chính vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định đây là một quá trình lâu dài với nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì, linh hoạt và sáng tạo.

Thứ hai, trên cơ sở tổng kết thực tiễn 35 năm đổi mới, lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhất là về nội hàm của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng bước được hoàn thiện và phát triển. Đó chính là sự gắn kết hữu cơ và biện chứng giữa tính thị trường với tính xã hội chủ nghĩa; giữa tính nhân loại, hiện đại với đặc thù phát triển riêng có của Việt Nam trong nền kinh tế thông qua:
(i) Mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và không để ai bị bỏ lại phía sau.
(ii) Phương thức lãnh đạo và quản lý, theo đó có sự kết hợp hữu cơ giữa cơ chế thị trường với quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự tham gia và giám sát của nhân dân và xã hội. Trong đó sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định, đảm bảo tính định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Xem thêm: Luộc Bánh Chưng Bao Lâu Thì Được, Luộc Bánh Chưng Mấy Tiếng
(iii) Cơ chế phân bổ nguồn lực và phân phối kết quả được tạo ra, theo đó nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật khách quan của kinh tế thị trường với đa dạng các hình thức sở hữu, đa dạng hình thức tổ chức sản xuất và kinh doanh, đa dạng các loại thị trường; gắn kết với thị trường quốc tế. Các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là quan trọng.
(iv) Phương thức phát triển của nền kinh tế, theo đó những tác động tiêu cực của thị trường và can thiệp của nhà nước<6> được hạn chế ở mức thấp nhất, đồng thời những tác động tích cực của thị trường và vai trò kiến tạo của Nhà nước được phát huy ở mức cao nhất, phù hợp với từng giai đoạn phát triển; nền kinh tế có sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; là nền kinh tế phát triển hài hoà với tự nhiên và coi bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ mang tính sống còn. “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”<7> cũng như không đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế với môi trường.
Thứ ba, những thành công trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sau 35 năm đổi mới đã và đang cho thấy lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang từng bước được hiện thực hoá.
(i) Kể từ khi đổi mới (1986-2020), nền kinh tế liên tục tăng trưởng, đạt bình quân khoảng 6,5%/năm, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực kinh tế năng động là Đông Á và Thái Bình Dương<8>; quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 271,1 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với năm 1986<9>; chất lượng tăng trưởng được cải thiện với năng suất lao động tăng gấp 5 lần so với năm 2006<10>. Lạm phát được duy trì ở mức có thể kiểm soát được và thấp trong những năm gần đây<11>; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GDP chiếm trên 75%<12>. Xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và dự trữ ngoại hối tăng mạnh<13>. Các khu vực kinh tế phát triển nhanh và ngày càng đa dạng<14>.
(ii) Thể chế kinh tế thị trường từng bước được hoàn thiện. Môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng được cải thiện<15>; năng lực cạnh tranh quốc gia từng bước được nâng lên; chỉ số sáng tạo liên tục tăng đã giúp cho nền kinh tế vươn lên nhóm nửa trên bảng xếp hạng toàn cầu<16>.
(iii) Các chỉ tiêu về xã hội liên tục được cải thiện, đời sống nhân dân được nâng cao, tiến bộ và công bằng xã hội được đảm bảo với việc thực hiện thành công “sớm” các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (từ năm 2015). Từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, năm 2008 Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Đến năm 2020 đạt gần 3.000 USD<17>. Chỉ trong hai thập kỷ, đã có khoảng 30 triệu người Việt Nam thoát nghèo. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm được giữ ở mức thấp và có xu hướng giảm dần<18>. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Mức độ bất bình đẳng<19> có xu hướng giảm, ở mức thấp hơn so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á; bình đẳng giới ngày càng tiến bộ. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông<20> và chỉ số phát triển con người có nhiều cải thiện<21>.
(iv) Hệ thống các thị trường, đặc biệt là thị trường các nhân tố sản xuất được hình thành và từng bước phát triển theo hướng đồng bộ hơn và gắn kết hơn với thị trường quốc tế.
(v) Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu; đã ký hết 15 hiệp định thương mại tự do (tính đến tháng 12 năm 2021)<22>, kết nối nền kinh tế với phần lớn các thị trường trọng điểm trên thế giới<23>, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thứ tư, lý luận về xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói chung từng bước được hoàn thiện cùng với những thành công trong hiện thực hoá lý luận này trong 35 năm đổi mới đã tạo nền tảng cho việc đưa ra chiến lược phát triển của đất nước trong 10 năm tới (2021-2025), mở ra một giai đoạn mới cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là giai đoạn phát triển với thế và lực mới, với tầm nhìn và mục tiêu đặt ra cụ thể hơn và khát vọng hơn về phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc<24>; là giai đoạn phát triển mang tính bền vững hơn, bao trùm hơn, dựa nhiều hơn vào nâng cao hiệu quả các nguồn lực và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhanh, mạnh và khó lường<25>.
Từ những phân tích ở trên, có thể khẳng định rằng, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự đột phá về lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sự đột phá đó được tạo nên bởi sự đổi mới và sáng tạo liên tục trong tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở kiên định, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu mới nhất về lý luận của thế giới và không ngừng tổng kết thực tiễn.